29.5.09

It's raining...


Hôm nay là cuối tuần, ngoài trời đang mưa. Thời gian thì không nhiều để mà rãnh rỗi, nhưng sao một chốc yên tĩnh cũng làm mình nhớ quá. Nỗi nhớ êm dịu như điệu nhạc của khúc ca “Hushabye Mountain” trong phim vậy…

Thời gian này là đợt tổng kết trong trường phổ thông. Lúc đó, ta bận bịu sáng tối, vậy mà vẫn cứ còn những giờ phút thảnh thơi để hí hoáy cuốn lưu bút, để bù khú những giờ nói chuyện tương lai với lũ bạn. Rồi sự việc cứ tiếp diễn, xa rời trường lớp, thầy cô, bạn bè … Cuộc sống của sinh viên đối với ta là những ngày tháng điên loạn trong môi trường năng động hơn. Điên loạn vì mệt, mà cũng vì vui, vì buồn, đủ thứ hết! ...

Lại mở "Hushabye Mountain", hi vọng thư giãn được đôi chút:

A gentle breeze from Hushabye Mountain
Softly blows o'er lullaby bay.
It fills the sails of boats that are waiting--
Waiting to sail your worries away.
It isn't far to Hushabye Mountain
And your boat waits down by the key.
The winds of night so softly are sighing--
Soon they will fly your troubles to sea.
So close your eyes on Hushabye Mountain.
Wave good-bye to cares of the day.
And watch your boat from Hushabye Mountain
Sail far away from lullaby bay.

Mưa của những đêm cuối tháng Năm. Đêm thì tĩnh lặng mà mưa cứ rơi ngoài đó, nghe lộp độp như bản nhạc không lời. Lúc trầm lúc bổng, nhưng không điệu đà uyển chuyển như tiếng violon. Mưa chỉ biết ào ào, ầm ầm, rồi từ từ nhỏ dần nhỏ dần lại, cuối cùng là tách tách vài giọt. Giống như đời người, sức sống mãnh liệt, hối hả khi còn là tuổi trẻ, già rồi thì mọi thứ nhạt nhẽo dần, để rồi cuối cùng là tắt ngấm, phải thế chăng? Hay là ta còn kì vọng sau mỗi cái chết là thêm một ngôi sao trên trời, để linh hồn được tỏa sáng mãi? Vấn đề ở đây là cổ tích có thành sự thật được không? Hay chỉ là chuỗi những câu chuyện để an ủi tâm hồn mỗi khi ta cần nơi để bám víu niềm tin?

... ... ...

Mẹ đi vắng… con cầm cây đàn con hát, hát cho mẹ về với con, hát cho mẹ về với con…

20.5.09

Cuộc sống không vui thì đi tìm hồi ức đẹp?


Bạn bảo cuộc sống không vui thì sống bằng hồi ức đẹp.

Hồi ức luôn là nơi hoàn mỹ nhất. Nó là thước phim tua lại hiện thực sống động của thời thơ ấu, vừa được thêu dệt bằng cảm xúc, bằng trí tưởng tượng của con người. Không phải hồi ức luôn luôn giả tạo, cũng không hẳn hồi ức là những gì xác thực nhất. Nó là bức tranh đẹp sau làn sương mờ mờ ảo ảo, là tinh hoa của một thế giới do trí tưởng tượng của mình hình thành.

Do đó, hồi ức luôn đẹp, nên phải sống bằng hồi ức. Tuy nhiên, hồi ức chỉ đẹp khi nó làm việc đúng với nhiệm vụ của nó. Tức nó là nơi mặt bể không dậy sóng, nơi có phong cảnh yên ả êm đềm mỗi khi mệt mỏi ta tìm đến. Nếu cuộc sống mãi luôn rong đuổi theo những hồi ức, nó có thể dẫm đạp lên giấc mơ đẹp của ta không thương tiếc mà kẻ gây ra tội đồ ấy không ai khác là chính ta.

Vậy có thể nói rằng: cuộc sống không vui, là do hồi ức quá đẹp chăng! Và con người thì không bao giờ chịu buông tha cho những gì là đẹp.

Bạn hỏi rằng: vậy nếu hồi ức đẹp kết thúc thì sẽ ra sao?

Đó là khi mình phải trở về với thực tế. Là khi mình phải đối đầu với cuộc sống. Là lúc mình trở về với con người mình.

Thật mệt mỏi khi chạy theo mãi với câu hỏi: mình là ai, làm sao mình trở về chính mình? Một người vì áp lực quá mà phải thốt lên rằng: mình là gì trong cái thế giới bẩn thỉu này? Ôi, ngày xưa của ta đâu? … Tại sao chúng ta lại luôn muốn tìm kiếm mình là ai? Tại sao chúng ta lại thích tìm sự khác biệt với mọi người theo xu hứng của giới trẻ thời đại, tại sao lại muốn mở lối đi riêng, muốn chơi sốc … để khẳng định chính mình?

Mỗi tính cách con người đều là kho tàng quí báu. Nó sẽ hướng ta đến niềm vui và sở thích chung với một ngôi sao, hay một thần tượng nào đó, hoặc nó sẽ hướng về chính ta, về người thầy ỉm ỉm kề bên nhưng mà tận tụy... Vậy tại sao phải mệt mỏi tìm kiếm những gì là của mình, mà không khám phá xem thế giới có bao nhiêu điều thú vị đang chờ kia. Sống cho thoải mái đi, sống cho vui vẻ đi, rồi tự khắc con người bạn sẽ dần thể hiện một cách rõ ràng. Mình nói như vậy, không biết có ai đồng tình không nhỉ?

Càng sống nặng tình với hồi ức, bạn sẽ thấy cuộc sống thực tế càng lúc càng đen bạc. Hay là bạn cho rằng, sống theo hồi ức, để vớt vát một chút gì của sự vui tươi thời non trẻ?

Nhưng tùy theo thái độ của mỗi người ra sao với hồi ức. Có người vùi dập mình trong hồi ức, để mà than vãn hiện tại. Có người sống để nhớ, và cố gắng để tạo lập nên những hồi ức tốt đẹp hơn cho tương lai. Bạn chọn dạng người nào?

7.5.09

Tạp bút.


BỆNH

Một buổi chiều, hơi thở như khói xông ra của nồi nước sôi…

Khi người ta bảo “tôi đang bệnh”, có nghĩa là cơ thể đang rất mệt mỏi, con người trở nên ù lì, hoạt động chậm chạp, và cuối cùng là nằm một đống. Nhưng trong lúc nằm, trí óc lại tuồn về những kí ức, trong đó có đẹp, có xấu, có cả những trò nham nhở vụng dại buồn cười, nhìn lại thật nhanh, để mà mỉm cười, hay thở dài?... rồi lại thanh thản, ngủ!...

Bệnh, khi người ta bệnh, tiềm thức con người trở nên khỏe khoắn vô cùng, không lo nghĩ chuyện quá khứ, không tính toán chuyện tương lai, chỉ vì không thể suy nghĩ nhiều quá nữa, chỉ muốn được thoải mái đôi chút, chỉ để yên giấc … hơn một ngày dài mùa hạ.

Hoang tưởng

Ngủ yên, nhưng trong cơn mê lại thấy những giấc mơ hãi hùng. Rồi chập chờn, hoang tưởng nếu một ngày con người ta phải ra đi, thì thế giới còn lại có thay đổi không. Có, chí ít là một số người sẽ phải thay đổi thói quen khi không còn một người bên cạnh họ. Nhưng

- Nếu như sự ra đi của tôi không tác động sâu sắc đến họ, đồng nghĩa với cuộc sống của tôi hiện tại rất tẻ nhạt, và thái độ sống cũng rất hờ hững.

- Nếu như tôi ra đi, mang theo rất nhiều điều tiếc rẻ, thì rõ ràng tôi của ngày hôm nay thật đáng bỏ đi, bởi chẳng làm được gì cho ngày hôm nay.

Sống thế thì sống làm gì, chết quách đi cho xong. Mà chết đâu phải là hết. Chết là sự trốn tránh, là cái dỏm nhất trong những cái dỏm. Do đó loại điều đó ra. Vậy thì sống. Mà đã sống thì ngựa theo đường cũ ư? Không, tôi đang chết nếu như những điều đó là sự thật.

Rồi tích tắc, một vầng sáng mờ mờ như dát vàng bao quanh tôi. Dần dần tôi nhận ra mình đang đứng dưới một mái vòm tròn trịa khổng lồ; tôi thấy nó to bằng cả bầu trời. Tít trên cao, chính giữa mái vòm có một khoang tròn. Một cột ánh sáng chiếu thẳng xuống một cái hồ tròn không kém, mặt hồ đen bóng không một gợn sóng trông như một tấm gương tối thẫm. Sát mặt nước có vật gì đấy lấp lánh như một ngôi sao. Nó di động hết sức chậm rãi, nó bồng bềnh như không có trọng lượng. Nhìn kĩ, đó là con lắc. Khi nó gần sát bờ hồ thì đột nhiên từ mặt nước đen ngòm trồi lên một nụ hoa thật to. Con lắc càng sát bờ hồ bao nhiêu thì bông hoa nở rộ bấy nhiêu, để rồi cuối cùng nó nở rộ trên mặt nước bóng như gương… Thật là một bông hoa đẹp tuyệt vời. Tôi chưa từng được thấy. Trông nó như hoàn toàn được tạo từ những sắc màu rực rỡ. Đó gọi là bông hoa giờ; hoa thời gian; tượng trưng cho thời gian của một người trong suốt cuộc sống của họ. Khi con lắc kết thúc 1 vòng quanh hồ, hoa sẽ tàn, là thời gian của một người sẽ kết thúc!

Thế nào để níu kéo thời gian?

…………………

Nỗi nhớ lại tràn về…

Bệnh, thời thơ ấu hồn nhiên nũng nịu lại quay về qua bàn tay mẹ, cứng rắn, chai sần nhưng rất đỗi dịu dàng; qua li trà nóng của ba, để phát hiện ra mình vẫn được chiều chuộng. Ừ, mà ai làm con mà không được chiều chuộng, chỉ là họ chiều chuộng theo những cách khác nhau. Đôi khi con người đang hạnh phúc mà không biết, hoặc cố tình phủ nhận rằng mình đang được hạnh phúc! Sau đó, còn nhớ thêm vài chuyện nữa …

Đôi khi, bệnh cũng là cơ hội để trả lời những khuất mắc. Có thời gian tĩnh lặng, nghĩ vài điều về cuộc sống, vài điều cho con người, lúc thấy mặn mà, lúc thấy nhạt nhẽo quá. Phải chăng mùi vị cuộc sống được nếm qua góc nhìn của tâm hồn mỗi con người?

15 phút thức giấc, thấy cuộc sống nhộn nhịp, bận rộn, ồn ào…

Bệnh, thấy được hoạt động xung quanh đang diễn ra một cách rõ ràng nhất. Và nhờ vậy, con người ta mới thấy yêu cuộc sống hơn, muốn gượng dậy ngay để hoạt động tốt hơn những gì ngày hôm qua có thể.

Nhưng bệnh, thấy khổ sở quá. Không được bay nhảy là thấy khổ rồi >.<

Lâu rồi mới bệnh, lâu rồi mới quay trở lại tháng ngày này, cảm giác thật kì lạ… Thấy mệt mỏi, mà cũng thích thích. Kết thúc những ngày bệnh hoạn.